Nhận diện các thủ thuật kế toán (financial shenanigans) – Kỳ 2

Nhận diện thủ thuật kế toán là một trong những chủ đề mà rất nhiều quý độc giả quan tâm từ những ngày đầu tiên. Sau khi giải đáp nhiều vấn đề từ các kỳ đọc hiểu BCTC trước như trung bình lợi nhuận, ROIC, cổ tức/phát hành/ESOP, nay chúng tôi mới có dịp quay lại với chủ để vừa phức tạp, lại vô cùng thú vị nầy… Trích dẫn, lược dịch quyển “Financial Shenanigans”, 2010, của ngài Howard Schilit và bổ sung thêm từ kinh nghiệm đầu tư của riêng chúng tôi

Kỳ nội dung Loại gian lận kế toán

Kỳ 2 Thao túng lợi nhuận bằng các thuật “thổi phồng” doanh thu: ghi nhận doanh thu tương lai,  ghi nhận doanh thu ảo, ghi nhận các khoản thu nhập bất thường/một lần

Kỳ 2: Thao túng lợi nhuận bằng các thuật “thổi phồng” doanh thu

Tiếp nối kỳ 1, chúng tôi muốn đi vào chương chủ đề khá được nhiều quý độc giả mong đợi: các thủ thuật thao túng lợi nhuận (earnings manipulation) của công ty và cách để ta tránh nó. Về bản chất, có 2 cách mà ban lãnh đạo công ty có thể thao túng tăng lợi nhuận nhằm đánh lừa cổ đông/nhà đầu tư tiềm năng để trục lợi dựa trên giá cổ phiếu hoặc các đợt phát hành: (1) Thổi phồng doanh thu (2) Giấu chi phí. Do giấy mực hạn chế, chúng tôi muốn đi sâu vào thuật “thổi phồng” doanh thu kỳ nầy – phương pháp mà chúng tôi cho là phổ biến nhất mà hạng DN niêm yết “lừa lọc” tại Việt Nam thường dùng. Vì vậy, có thể nói bài viết trong ấn phẩm XXI đây là một trong những bài viết có giá trị bậc nhứt mà chúng tôi từng làm…

Nhằm mục đích làm đẹp kết quả sinh lời ngắn hạn hòng gián tiếp tăng giá cổ phiếu trước khi niêm yết/phát hành/M&A, hoặc để bán ra trên thị trường, hoặc giữ giá cổ phiếu cho hoạt động repo(i) cổ phiếu, ban lãnh đạo có rất nhiều động lực ẩn sau để thổi phồng doanh thu trong khi thực tế không hề có dòng tiền nào đi vào công ty! 

Theo ngài chuyên gia về kế toán và thủ thuật gian lận Howard Schilit, có 3 loại thủ thuật thường xuyên được sử dụng nhất mà ông đúc kết lại suốt quãng đời 30 năm kinh nghiệm của mình, bao gồm: ghi nhận trước doanh thu tương lai quá sớm (record revenue too soon), ghi nhận doanh thu ảo (record bogus revenue), và cuối cùng là ghi nhận các khoản doanh thu bất thường/một lần (using one-time or unsustainable activities to boost income). 

2.1. Ghi nhận doanh thu tương lai quá sớm (record revenue too soon)

Để làm được việc nầy, họ dùng các kĩ thuật như: ghi nhận doanh thu trước khi bàn giao sản phẩm/dịch vụ; ghi nhận doanh thu quá lên so với khối lượng công việc được làm trong tương lai; ghi nhận doanh thu trước khi khách hàng chấp nhận sản phẩm bằng văn bản chính thức; ghi nhận doanh thu khi khả năng thanh toán của khách hàng chưa chắc chắn, thậm chí còn không hề cần thiết.

Trên kinh nghiệm của chúng tôi, những hạng doanh nghiệp thường xuyên sử dụng thủ thuật này thường nằm trong các ngành nghề có sản phẩm/dịch vụ tương đối vô hình, mang tính trừu tượng và chủ yếu phụ thuộc vào tập khách hàng B2B (tức các doanh nghiệp lớn khác), nên việc “chuyển lùi” doanh thu như vậy rất khó để kiểm tra, thậm chí còn không thể hiểu được với một số người bình thường khác (!) Các ngành nghề như ngân hàng, tài chánh, bất động sản, khu công nghiệp, xây lắp/xây dựng, hàng không, viễn thông, phần mềm, công nghệ sinh học là những ví dụ cụ thể nhất… Để nhìn ra được những doanh nghiệp dạng nầy, nhất định ta phải chú ý đến khoản mục phải thu ngắn hạn tương ứng với % tổng tài sản, % khoản phải trả ngắn hạn cũng như % doanh thu hằng năm. Ngoài ra, ta cần phải chú ý đến khoản mục dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (cash flow from operations – CFO) và chính sách kế toán của công ty khi hạch toán doanh thu như thế nào (ta có thể xem trong thuyết minh BCTC, trao đổi với chuyên gia/ban lãnh đạo công ty).

Một trong những ví dụ tương đối xưa cũ cho thuật nầy là CTCP Đầu tư & Công nghiệp Tân Tạo (HOSE: ITA). Nếu quý độc giả xem lại BCTC năm 2010 – giai đoạn sốt nóng của cổ phiếu nầy, ta sẽ thấy rằng doanh thu công ty tăng vọt gần gấp đôi so với năm 2009 trước đó, dẫn đến lợi nhuận tăng vọt lên gần 700 tỷ, một mức tăng trưởng giữa thị trường suy thoái kinh ngạc (!) Ấy vậy mà dòng tiền công ty âm nghiêm trọng, chủ yếu do các khoản phải thu ngắn & dài hạn tăng lên nhanh chóng, thậm chí cao hơn cả doanh thu và nhiều lần các khoản phải trả. Điều nầy một phần do ITA đã hạch toán doanh thu thuê đất của các khách hàng trong tương lai vào một năm 2010, thậm chí nhiều khách hàng trong đó chưa chắc chắn thanh toán; phần khác, họ dùng các khoản tiền nầy để chuyển qua các bên liên quan và đầu tư trái ngành tràn lan – sau đó trở thành một thảm họa kinh điển cho những nhà đầu tư cá nhân và cả các quỹ ETF “ngây thơ”.

Ngoài case ITA kinh điển trên, chúng tôi cũng từng phân tích case CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC, link) cách đây nhiều tháng khi công ty nầy có chính sách kế toán tự ước tính (estimation) khoảng 40%-50% doanh thu và các khoản phải thu theo tiến độ xây dựng và chủ quan của vị kế toán trưởng thay vì dựa trên hóa đơn chứng từ & văn bản nghiệm thu của khách hàng, một rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư không am hiểu ngành xây dựng (!) Đến cuối năm 2018 vừa qua, vay nợ ngân hàng của công ty bằng 150% vốn chủ sở hữu, trong khi đó khoản phải thu ngắn hạn tăng vọt lên 11 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 70% tổng tài sản – một “lá cờ đỏ” khổng lồ…

Ngoài hai case như vậy, chúng tôi còn nhận thấy khá nhiều các ngân hàng thương mại khác hạch toán doanh thu lãi cho vay “dự thu” hàng nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp B2B rất rủi ro, số khác thì hạch toán toàn bộ khoản thu từ hợp đồng hợp tác kinh doanh bảo hiểm “bancassurance” 15-20 năm với đối tác vào đúng 1 năm 2017 hoặc 2018 vừa qua, khiến khoản mục thu nhập ngoài lãi khác tăng vọt; một số CTCK nhỏ khác thì hạch toán các khoản doanh thu dự kiến nếu bán ra cổ phần từ một số doanh nghiệp OTC mà không hề tính đến yếu tố thanh khoản hay giá trị thực.  Đây là các nhóm công ty có sản phẩm/dịch vụ trừu tượng và cách hạch toán “sáng tạo” mà nhất định nhà đầu tư cá nhân chúng ta phải nhận thức được và tránh xa. Như ngài Fred Schwed Jr. đã từng có câu châm ngôn kinh điển: “Kế toán thậm chí còn không phải là một môn nghệ thuật, nó có thể chỉ là một trạng thái trong suy nghĩ (a state of mind) mà thôi!”

2.2. Ghi nhận doanh thu ảo (record bogus revenue)

Nếu như việc di dời doanh thu từ tương lai về thực tại là một tội lỗi, thì việc hạch toán doanh thu ảo (bogus), không có thực là một tội ác còn “đáng kinh tởm” hơn! Những công ty dạng nầy thường lợi dụng kẽ hở của sự thiếu minh bạch trong ngành nghề kinh doanh, thông đồng với kiểm toán và hạch toán các giao dịch không có bản chất kinh tế hoặc không mang tính đầu-cuối (arms-length) đầy đủ. Điều nầy vi phạm với nguyên tắc của kế toán rằng họ chỉ được hạch toán doanh thu khi toàn bộ rủi ro liên quan đến hàng hóa/dịch vụ đã được chuyển sang người mua và bằng chứng về việc thanh toán của người mua là chắc chắn.

Cụ thể hơn, họ có thể bán một lô hàng hóa X sang đối tác B của họ, sau đó nhờ bên B làm giấy tờ kí quỹ lô hàng ngược lại – ghi nhận khoản phải thu và doanh thu tương ứng. Ở trường hợp khác, họ có thể kí khống một hóa đơn dịch vụ X nào đó với công ty C thuộc bên liên quan (related parties), sau đó hạch toán phải thu và doanh thu tương ứng trong khi không hề có dịch vụ X nào mà họ cung cấp đủ xứng đáng với mức giá trị đó. Đến đây, đúng như nghi ngờ của một vài độc giả, ắt hẳn phương pháp nầy sẽ đi kèm với việc họ phải tốn các chi phí thuế TNDN, môi giới, tài chánh liên quan – song nếu so với lợi ích mà cá nhân ban lãnh đạo thu được từ việc bán cổ phiếu trên TTCK, thì đây chỉ thực là “muối bỏ bể”!

Theo kinh nghiệm quan sát của chúng tôi, những doanh nghiệp thuộc hạng “lừa đảo thậm tệ nhất” nầy hầu hết là các công ty có quy mô vừa & nhỏ, mới vừa được thành lập <10-15 năm, cơ cấu cổ đông không có đối trọng đủ lớn để giám sát. Ngoài ra, ban lãnh đạo của nhóm nầy thường rất năng động trong việc “chào mời” công ty, đến mực ta thấy tên cổ phiếu của họ nhan nhản khắp các mặt báo, diễn đàn như một cơ hội có một không hai; thanh khoản cổ phiếu của họ thì thuộc hạng bậc nhứt trên sàn (!) Ấy vậy mà nếu ta soi xét kĩ bảng cân đối kế toán và thuyết minh BCTC của họ, thì thấy nhan nhản những “lá cờ đỏ” vô cùng nghiêm trọng…

CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (HOSE: JVC) là một trong những case kinh điển mà đơn vị kiểm toán Big4, những quỹ đầu tư hàng đầu thị trường, có cả nhà đầu tư chiến lược kỹ tính từ Nhật Bản, cũng không thể bảo vệ được chính họ, huống chi những NĐT cá nhân “ngây thơ” chúng ta (!) Xem lại BCTC năm 2014 – 6 tháng trước khi JVC lộ bản chất “lừa lọc”,  dù rất khó nhìn ra lúc bấy giờ, ta thấy rằng doanh thu công ty tăng mạnh từ 600 tỷ -> 1,100 tỷ, song toàn bộ tiền mặt của công ty đều đến từ hoạt động phát hành cổ phiếu. Hơn nữa, khoản phải thu ngắn hạn của công ty lên đến gần ~900 tỷ, gần bằng doanh thu. Nhìn rộng hơn, thị trường nhập khẩu thiết bị y tế lúc bấy giờ trị giá khoảng ~14,000 tỷ, trong đó gần 90% phụ thuộc vào hệ thống thu mua của BV công lập: như vậy, JVC gần như chiếm >80% thị phần thiết bị y tế tư nhân khoảng ~1,500 tỷ còn lại, một con số khá vô lý lúc bấy giờ (?) Và sau đó như độc giả đã biết, giá cổ phiếu JVC sau đó giảm mạnh còn 1/8 so với lúc đỉnh cao giữa năm 2015, ban lãnh đạo bị truy tố vì nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và có dấu hiệu “lừa đảo”, tất cả quỹ đầu tư và CTCK bán ra cổ phiếu, để lại một di sản rất xấu cho TTCK Việt Nam…

Cũng với kịch bản giống JVC, gần đây chúng tôi lưu ý CTCP Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) cũng có nhiều dấu hiệu khá tương đồng: theo BCTC năm 2018 – trùng hợp trước khi công ty niêm yết lên sàn với giá ngất ngưởng, doanh thu YEG đột ngột tăng gấp 2 lần lên 1,700 tỷ, lợi nhuận gộp tăng gấp 4 lên mức ~600 tỷ mà không có động lực nào rõ ràng! Tất cả tiền mặt vào YEG đều đến từ phát hành riêng lẻ, dòng tiền dường như chỉ chảy vào khoản phải thu và trái phiếu các doanh nghiệp tư nhân lạ (?) Nếu lấy con số doanh thu 1,700 tỷ (tương ứng ~80 triệu USD) của YEG năm 2018 ra suy ngẫm kĩ, ta sẽ thấy rằng doanh thu của nó thậm chí lớn hơn tất cả các công ty truyền thông lớn nhất tại Việt Nam như:

VCCorp (40 triệu USD), VNExpress (24 triệu USD), Zing (20 triệu USD) – thậm chí gần bằng cả Google Việt Nam (130 triệu USD) và Facebook Việt Nam (230 triệu USD)! Đây là một con số khá bất hợp lý xét đến việc thương hiệu và tập khách hàng của Yeah1 hoàn toàn yếu thế hơn tất cả các công ty trong ngành media/news lớn trên.

Như vậy, quý độc nào tinh ý sẽ thấy rằng nếu ta biết cách: (1) So sánh doanh thu của công ty ta nghi ngờ với các ông lớn dẫn đầu ngành (2) Nhìn kĩ dòng tiền của doanh nghiệp (3) Nhìn kỹ xu hướng và tỷ trọng của khoản phải thu, ắt hẳn ta sẽ nhìn ra các “lá cờ đỏ” của hạng doanh nghiệp ghi nhận doanh thu “ảo” như trên! Cũng với phương pháp nầy, chúng tôi đã nhìn ra nhiều case trong quá khứ mà chúng tôi đã từng post lên website như CTCP Xây dựng FLC Faros (link), CTCP Hoàng Anh Gia Lai (link) và gần đây là case thủy sản CTCP ĐTPT Đa Quốc Gia “IDI” (link).

2.3. Ghi nhận thu nhập bất thường/một lần (boosting income by 1 time/unsustainable activities)  

Cuối cùng, nhằm mục tiêu tăng lợi nhuận ròng, nhiều doanh nghiệp niêm yết chọn cách tăng khoản mục doanh thu tài chánh hoặc lợi nhuận khác thông qua việc hạch toán các khoản thu nhập bất thường/một lần bằng khá nhiều cách “sáng tạo” khác nhau. Nếu phải kể ra dông dài cụ thể họ làm như thế nào, thì ắt hẳn phải mất hàng trăm dòng vẫn chưa hết, chúng tôi chỉ tiện liệt kê ra một số cách phổ biến nhất, bao gồm: đánh giá lại tài sản hoặc các khoản đầu tư tài chánh; đẩy giá cổ phiếu của khoản đầu tư tài chánh dài hạn trên sàn vào ngày chốt báo cáo – đặc biệt là nhóm có thanh khoản thấp (quý độc nào tò mò có thể xem lịch sử giá hai case Nhiệt Điện Quảng Ninh “QTP” và CTCP Bảo hiểm Bưu Điện “PTI” sẽ thấy rất rõ chiêu thức nầy); bán tài sản/công ty con cho một đơn vị đối tác với giá cao hơn thực tế; M&A một công ty mới hoặc tăng tỷ lệ cổ phần ở một công ty liên kết lên thành cổ phần chi phối (>51%) vào cuối năm tài chính để có kết quả hợp nhất cao lên bất thường; một số trường hợp còn đánh giá lại cả quyền sử dụng đất/quyền thuê đất…

 Thường những doanh nghiệp thuộc dạng mô hình holdings kim tự tháp, có nhiều công ty liên kết/đầu tư tài chính dài hạn sẽ có điều kiện khá thuận lợi để thực hiện thủ thuật nầy. Ngoài ra, những doanh nghiệp đầu tư tài chánh lớn, chuẩn bị niêm yết/phát hành hoặc có chính sách lương/thưởng lớn cho ban lãnh đạo dựa vào lợi nhuận sau thuế cũng có rất nhiều động cơ để đẩy thu nhập bất thường của họ lên vì mục tiêu ngắn hạn. Trong khi đó, những cổ đông “ngây thơ” không biết bóc tách các khoản không bền vững trên ra sẽ chịu thua lỗ vào những năm tiếp theo mà cứ ngỡ rằng mình đang nắm một cổ phiếu có định giá rẻ…

Một trong những case khá cực độ (extreme) là CTCP Tập đoàn Masan “MSN”: trong hai năm 2017 – 2018 trước khi phát hành cổ phần cho đối tác lớn Hàn Quốc, sau khi TCB hạch toán một khoản thu nhập bất thường từ hợp đồng “bancassurance” gần 20 năm tương lai vào một năm như chúng tôi đã đề cập ở trên, MSN tiếp tục hạch toán một khoản giả định đánh giá lại cổ phần tại TCB (!) Như vậy, lợi nhuận sau thuế của MSN được đẩy lên hai lần nhờ vào khoản mục lãi bất thường chia từ công ty liên kết TCB và doanh thu tài chính từ việc đánh giá lại cổ phần tại TCB. Giai đoạn đỉnh điểm tháng 04/2018, MSN có lúc được bán với mức P/E thực (sau khi trừ ra LN bất thường) lên đến trên 50 lần – trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn ngỡ rằng mình được mua một tập đoàn tiêu dùng với P/E < 20 lần. 

  Trên cả nhóm VN30 nói riêng và sàn HOSE nói chung, chúng tôi còn nhận thấy có rất nhiều doanh nghiệp holdings kim tự tháp tương tự sử dụng kết hợp vô vàn các thủ thuật để “hỗ trợ” con số lợi nhuận ròng cuối bảng đến mực chúng tôi cũng không thể liệt kê hết các chiêu thức của họ (!) Ấy vậy mà nhiều báo đài, CTCK vẫn ngợi khen nhiệt liệt, khiến động lực để chúng tôi thực hiện dự án Golden Newsletter hữu ích nầy ngày càng lớn hơn bao giờ hết. Chúng tôi biết rằng đến đây nhiều độc giả sẽ hỏi rằng “Ý các ông muốn ám chỉ đến ai??”, song đến đây cũng hết trang rồi, chúng tôi sẽ chừa công việc tìm tòi, suy luận thú vị ấy lại cho những nhà đầu tư giá trị thông minh chúng ta vậy…

2.4. Tóm tắt một vài cách để nhận ra dấu hiệu “thổi phồng” doanh thu

Tóm lại, sau khi chỉ ra 3 thủ thuật phổ biến để “thổi phồng” doanh thu và các case ví dụ tương ứng, chúng tôi muốn đúc kết lại vài phương pháp giúp NĐT cá nhân chúng ta có thể tìm ra sự thật đằng sau con số doanh thu “tươi đẹp” nầy:

– Chú ý đến khoản phải thu (receivables) của công ty tương ứng với doanh thu, tổng tài sản & khoản phải trả. Không có dấu hiệu lừa dối nào rõ ràng hơn khoản mục phải thu khổng lồ và tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm cả!

– Soi xét mối quan hệ giữa lợi nhuận ròng, dòng tiền và tiền mặt của công ty. Như ngài Graham đã dặn dò: “Đừng bao giờ hưng phấn với lợi nhuận một năm gần nhất cả!” Nhất thiết ta phải đặt dấu hỏi nếu trực giác dấy lên sự nghi ngờ.

– Soi xét kĩ toàn bộ thuyết minh báo cáo tài chính của mọi doanh nghiệp ta định đầu tư. Đặc biệt chú ý đến phần giao dịch với các bên liên quan (related parties), phần bóc tách (breakdown) các khoản thu nhập tài chánh/lợi nhuận khác và chính sách kế toán để ghi nhận doanh thu của công ty.

– Nếu ta nghi ngờ con số doanh thu của công ty quá tốt để có thể thành hiện thực. Ta hãy lập phép so sánh đơn giản với các đối thủ đầu ngành. Nếu quy mô/bề dày lịch sử/lợi thế cạnh tranh của công ty còn nhỏ bé song con số đầu bảng cao ngang ngửa với các công ty đầu ngành, đó là một “lá cờ đỏ” rất, rất lớn!

Quý độc giả nào kinh nghiệm sẽ thấy rằng dù rất quý báu, các phương pháp trên cũng không thể đảm bảo 100% rằng nó sẽ giúp ta nhìn ra ngay được các hạng lãnh đạo “lừa lọc” cả! Vì vậy, chúng tôi thường đề cao trực giác nghi ngờ ở mỗi người, cũng như hối thúc việc ta thường xuyên lắng nghe góc nhìn ngược chiều/tin đồn từ những người trong ngành hoặc cổ đông một cách cởi mở. Khi có tín hiệu tiêu cực, ta nhất định phải soi xét kĩ hơn với các phương pháp trên. Có như vậy, ta mới tự bảo vệ mình được khỏi đầy rẫy những cạm bẫy hằng ngày trên TTCK còn sơ khai của nước ta… (còn tiếp kỳ 3,4,5,6) S.A.F.E team (i) Hoạt động repo chứng khoán: Ban lãnh đạo thế chấp cổ phần của mình vào CTCK/Quỹ đầu tư/Các tổ chức tài chính khác nhằm vay tiền nóng cho hoạt động kinh doanh cá nhân. Thông thường lãi suất repo khá cao và hạng lãnh đạo đi vay dạng nầy thường là người khá liều lĩnh, không đáng tin cậy. Có nhiều lãnh đạo của doanh nghiệp lớn trên sàn hiện đang repo cổ phiếu của mình, và động cơ để họ giữ giá cổ phiếu trên TTCK vì vậy vô cùng lớn