Nhận diện các thủ thuật kế toán (financial shenanigans) – Kỳ 5

  • Thao túng các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng (key metrics manipulation): một vài chỉ tiêu thường bị thao túng, chuyển đổi các khoản mục trên BCĐKT nhằm che giấu 

Kỳ 5: Thao túng các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng

Sau kỳ 1 bàn về khái niệm các thủ thuật thao túng kế toán, kỳ 2 & kỳ 3 bàn về cách thổi phồng lợi nhuận thông qua việc đẩy doanh thu hoặc giảm chi phí, kỳ 4 về các thuật thao túng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, kỳ 5 – kỳ kế cuối – ngài Howard Schilit lại đi vào một chủ đề mà chúng ta ít nghĩ rằng có bàn tay thao túng của doanh nghiệp: đó chính là các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng (key metrics manipulation).

 Phân tích đầu tư là một công việc nặng nhọc bởi vì ta không chỉ phải phân tích các BCTC công khai của doanh nghiệp, mà ta luôn cần phải hiểu mô hình kinh doanh của công ty ra sao, cập nhật những chỉ tiêu quan trọng để theo dõi tiến độ của doanh nghiệp thông qua các thông cáo báo chí, báo cáo IR hoặc phần diễn giải thêm của ban lãnh đạo (@S.A.F.E: Ở Việt Nam thường những doanh nghiệp lớn, thuộc nhóm VN30 sẽ rất thường xuyên cập nhật các báo cáo dạng nầy trên website của họ hơn các doanh nghiệp nhỏ khác). Vì vậy, đây cũng chính là một trong những “vùng cơ hội” đầy thú vị cho các ban lãnh đạo ma mãnh muốn “bẻ tầm nhìn dư luận”, âu cũng bởi vì các báo cáo nầy không được kiểm toán và chẳng có một tiêu chuẩn nào cụ thể để ta kiểm tra cả (!) 

Trên kinh nghiệm hàng chục năm của Schilit, ông cho rằng có 2 cách thường gặp mà một tay giám đốc có thể thao túng: (1) Chỉ đưa ra những chỉ tiêu kinh doanh có lợi một cách thái quá (2) Điều khiển bảng cân đối kế toán nhằm che giấu đi sự yếu kém về tình hình tài chính

 5.1. Chỉ đưa ra những chỉ tiêu kinh doanh có lợi một cách thái quá

 Trên thực tế, có rất nhiều chỉ tiêu kinh doanh thường bị thao túng khác nhau ở mỗi ngành nghề khác nhau. Song chúng tôi xin mượn một vài ví dụ để quý độc giả chúng ta nắm sơ và cẩn trọng hơn trong tương lai.

Chẳng hạn như ngành bán lẻ,

chúng tôi có phân tích về tầm quan trọng của chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng hiện hữu (same-store sales – SSS). Tuy nhiên, chỉ tiêu nầy là một trong những thứ rất dễ bị thao túng nếu ban lãnh đạo thực sự muốn làm. Họ có thể: (1) Thay đổi cách tính SSS – chẳng hạn như kéo dài thời gian tối thiểu một cửa hàng được mở nhằm có được số SSS cao hơn, chẳng hạn nới tiêu chuẩn các cửa hàng mới mở từ 12 tháng lên 18 tháng để tính SSS (2) Họ có thể loại trừ ra các cửa hàng có doanh thu thấp bằng cách nói rằng những mô hình cửa hàng đó là thử nghiệm, không được tính, v.v Số khác cũng hay được “thổi phồng” lên là doanh thu online của các hãng – tuy nhiên họ lại không chỉ ra rõ rằng nguồn gốc online từ đâu, từ việc click vào website, thanh toán trước hay vẫn phải có cuộc điện thoại từ nhân viên bán hàng.

Một trong những chỉ tiêu khác bị ngài Schilit lên án chính là con số lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) mà phố Wall hay dùng để định giá doanh nghiệp một cách nực cười. Trên quan điểm của ông, EBITDA hay cash earnings không thể hiện được gì về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cả, nó chỉ là con số lợi nhuận cộng thêm khấu hao đơn thuần. Muốn có được dòng tiền, anh phải trừ thêm 2 thứ nữa: (1) thay đổi trong vốn lưu động – tức các khoản phải thu, phải trả, tồn kho, và (2) lãi vay cho hoạt động kinh doanh. Thậm chí trên quan điểm của ngài Buffett, ông cho rằng ta phải trừ tiếp cả chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (capital expenditures – capex) để có được con số dòng tiền tự do cuối cùng mới là đúng nhất. Còn cực đoan hơn cả ngài Buffett, Munger chêm vào thêm: “Nếu bất cứ khi nào bạn nghe đến thuật ngữ EBITDA hay những thứ tương tự, bạn nên tự hiểu rằng đó là lợi nhuận vớ vẩn (bullsh*t earnings)!” Có lẽ trong một ấn phẩm không xa chúng tôi sẽ bàn kĩ hơn về quan điểm Ngược chiều gây tranh cãi nầy…

Tuy nhiên, theo Schilit, vấn đề lớn nhất lại đến khi đột nhiên ta thấy một công ty không công bố số liệu key metrics mà họ thường công bố ở các kỳ trước nữa – đây khả năng rất cao, đến 90%, là tình hình kinh doanh họ đang gặp vấn đề. Cách đây không lâu, chúng tôi chợt phát hiện hai hãng bán lẻ lớn đột nhiên không công bố số liệu tăng trưởng samestore sales nữa, thì chúng tôi biết rằng chuỗi bán lẻ của họ đang gặp khó hoặc chuẩn bị đôi mặt với khó khăn sớm muộn… Cách đây vài năm một hãng nông nghiệp từng một thời “huy hoàng” thường xuyên công bố doanh số bán trái cây, kế hoạch xuất khẩu; đến nay đột nhiên dứt hẳn, cũng báo hiệu một điều chẳng lành.

5.2. Thao túng bảng cân đối kế toán để che giấu sự yếu kém về mặt tài chính 

Một trong những lĩnh vực chịu sự thao túng nhiều nhất về bảng cân đối kế toán (balance sheet) hòng làm đẹp mắt nhà đầu tư chính là bảng cân đối của các ngân hàng thương mại – đặc biệt là nhóm ưa cho vay dưới chuẩn (subprime loan). Như chúng tôi cũng đã từng phân tích trong ấn phẩm XXII, 05.2019, nhóm NHTM có thể dùng rất nhiều cách để công bố con số nợ xấu (bad debt) thấp hơn đáng kể so với thực tế: (1) Họ có thể chuyển từ nợ nhóm 4,5 sang nhóm 2,3 (2) Họ có thể cho phần lãi “không thể thu được” vào khoản lãi dự thu (3) Họ có thể chuyển một phần nợ xấu ra các khoản cam kết, bảo lãnh cho vay ngoại bảng.

Cùng trong lĩnh vực tài chính, một CTCK hay một quỹ đầu tư có thể ngừng sử dụng phương pháp neo theo giá thị trường (mark-to-market) với những khoản đầu tư tư nhân (private equity) hay những khoản đầu tư chưa niêm yết ở thị trường OTC. Đôi khi những công ty nầy có mức giá giảm nghiêm trọng trên thực tế, hoặc gần như phá sản, ấy vậy mà các CTCK hoặc quỹ vẫn không hề trích lập dự phòng, từ đó thổi phồng con số book value hơn để tăng định giá công ty. Các CTCK nhỏ trên sàn HNX cách đây một vài năm là những ví dụ cụ thể cho phương pháp thao túng nầy.

5.3. Kết luận

Ngoài các báo cáo tài chính, một NĐT giá trị tinh khôn còn phải cẩn trọng với cả những chỉ tiêu kinh doanh (key metrics) mà ban lãnh đạo trình bày – quả thực đầu tư không phải là một công việc dễ dàng:

– Anh ta cần hỏi rõ cách tính của một số chỉ tiêu anh ta cảm thấy “quá tốt để có thể trở thành sự thực”.

– Anh ta cần bỏ qua con số EBITDA khá vô nghĩa và “thổi phồng” bản chất thực tế mà phố Wall thường dùng.

– Anh ta cần cẩn trọng khi thấy một chỉ tiêu nào đó thường xuyên được công bố nhưng đột nhiên dứt hẳn.

– Anh ta nên soi kĩ các loại tài sản của các tổ chức tài chính hòng tìm ra nợ xấu hoặc các tài sản xấu mà ban lãnh đạo nhóm nầy muốn giấu đi.