Thị trường khởi đầu tuần vừa rồi với tâm lý tiêu cực do nhiều nguyên nhân: DJ giảm điểm rất mạnh từ 33k về thủng đáy cũ; tâm lý dè dặt do trong tuần có các sự kiện như đáo hạn phái sinh, cuộc họp của FED về nâng lãi suất, cơ cấu quỹ.
Diễn biến xấu xuất hiện ngay ngày đầu tuần khi xuất hiện GAP DOWN rồi chìm dần thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1250. Thị trường đã xuất hiện nỗ lực bắt đáy tại vùng này nhưng với áp lực cung lớn, cầu dần dần bỏ cuộc và thoái lui dần ở cuối phiên khiến chỉ số chìm dần. Sự chủ động được trao lại cho những người cầm tiền và họ không vội vàng nâng giá bắt đáy, bởi vì với một diễn biến tâm lý như vậy, khả năng người cầm cổ sẽ dần mất kiên nhẫn để hạ giá bán. Nhiều thời điểm, VNI mất mốc 1200 với thanh khoản đột biến thể hiện trạng thái hoảng loạn cutloss bằng mọi giá tâm lý vì e ngại khả năng vni tiếp tục rơi sâu về đáy cũ hay thậm chí thấp hơn. Nhưng khi VNI rơi về dưới mốc 1200 lại xuất hiện lực bắt đáy nhanh chóng đẩy chỉ số lên để chốt tuần VNI đạt 1217 điểm.
Yếu tố cơ bản được nhắc nhiều nhất trong tuần vừa rồi là yếu tố “Lạm phát” bắt nguồn từ sự tăng giá của giá xăng dầu và lương thực. Điều này tác động tiêu cực đến hầu hết các nhóm ngành dẫn đến đa phần cổ phiếu đều giảm sâu, nhiều cổ thậm chí phá đáy tạo ra tại mốc VNI 1260. Tuy vậy, thị trường vẫn có những điểm sáng đến từ nhiều nhóm ngành. Ấn tượng nhất là nhóm sản xuất và phân phối điện như VSH, HDG, NT2, POW, REE…; nhóm bán lẻ, tiêu dùng có MWG, FPT, PNJ, MSN… nhóm hóa chất có DGC, CSV, giữ được nền giá không rơi sâu như BSR, PVS, nhóm cảng biển VSC, HAH, GMD… nhóm KCN có VGC, KBC, IDC. Ở chiều ngược lại, thảm họa đến từ nhóm tài chính, bất động sản, thép cùng với nhiều cổ midcap từ nhiều nhóm ngành rơi sâu kéo điểm số rơi mạnh.
Nhìn sơ bộ về vốn hóa dễ dàng nhận thấy nhóm cổ tiêu cực lấn át hẳn nhóm cổ tích cực và hướng đi tiếp theo của VNI phụ thuộc nhiều vào diễn biến của những nhóm ngành này. Cơ hội cho thị trường sẽ rõ ràng hơn nếu nhóm ngành này “cầm máu”, đơn giản nếu tiếp tục rơi sâu, thì áp lực cung sẽ tăng dần lên ở nhóm cổ phiếu mạnh, và hiện tượng “giảm bù” như giai đoạn trước sẽ xuất hiện.
Một điểm tích cực của của thị trường tuần rồi đó là thanh khoản, thể hiện ở khối lượng giao dịch, đã tăng lên. Những phiên rơi sâu đều có thanh khoản tốt hơn so với trước đó, nhất là vùng điểm số 1200. Quan điểm tích cực thì đó là một dấu hiệu của cầu bắt đáy, nhất là trong thời điểm có nhiều tin tiêu cực nhưng vẫn giữ được mốc hỗ trợ quan trọng. Phân tích tâm lý của cả giai đoạn giảm nhanh từ 1530 về 1150, thanh khoản xuống dần do sức mua giảm, cũng như tâm lý chán chường bỏ mặc tài khoản không giao dịch do giá rơi quá nhanh và sốc. Nhưng sau đợt sóng hồi vừa rồi thì thanh khoản lại tăng lên, do 2 nguyên nhân chính sau: một là sự chán nản kèm bực tức từ phía cung bán để giải thoát khỏi thị trường, hai là sự tham gia trở lại của cầu tại một số nhóm ngành khi giá đã về vùng hấp dẫn.
Về phân tích các chỉ báo kết cấu thị trường, thì số lượng mã phá đáy 52 tuần của HOSE đạt 73 lần, cao thứ 2 sau covid 1 và đáy 2018, số lượng mã rơi vào vùng quá bán cũng ở mức quá bán. Trong điều kiện như hiện tại thì vùng đáy của thị trường đã ở rất gần.
Hai phiên đầu tuần sau có vai trò rất quan trọng trong việc xác định xu thế của thị trường tuần tới. Nếu tiếp tục giữ được vùng 1200 này thì nhiều khả năng VNI sẽ quay lại test vùng 1280-1300 tạo bởi gap trước đó. Còn ở hướng ngược lại, thị trường tiếp tục diễn biến xấu thì khả năng sẽ quay lại vùng 1100-1130.
Danh sách mã cổ phiếu có trend tăng mạnh nhất trong tuần rồi.